Những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng thức ăn trong nuôi tôm

Những yếu tố nào ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm? Biết được điều này, bà con sẽ quản lý vụ nuôi tốt hơn.

Thức ăn là yếu tố quan trọng quyết định đến quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm. Chính vì thế làm thế nào để tăng hiệu quả sử dụng thức ăn cho tôm nuôi luôn là vấn đề khiến người nuôi cảm thấy “đau đầu”. Vậy, những yếu tố nào ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm? Biết được điều này, bà con sẽ quản lý vụ nuôi tốt hơn.

a) Chất lượng thức ăn và liều lượng cho tôm ăn

 
Khi chọn thức ăn cho tôm đòi hỏi phải đạt chất lượng bởi như thế mới cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho tôm. Bên cạnh đó, liều lượng thức ăn cung cấp cho tôm lại là một yếu tố quan trọng hơn cả.
 
Theo Alcorn (2002) thì mức độ cho ăn là tiêu chí đầu tiên ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và hệ số thức ăn của thủy sản. Điều đó đồng nghĩa với việc khi “lượng thức ăn cho tôm tăng” sẽ giúp tôm tích lũy nhiều năng lượng hơn và “quá trình sinh trưởng cũng tăng”. Điều này đã được các chuyên gia của EcoClean nhắc đến ở bài phương pháp cải thiện FCR trong nuôi tôm.
 
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bà con có thể cho tôm ăn một cách “vô tội vạ”. Ngược lại, tùy theo từng loài và từng giai đoạn khác nhau, khẩu phần ăn dành cho tôm cũng khác nhau. Trên thực tế, người ta dựa vào tỉ lệ năng lượng và protein tối ưu để xác định khẩu phần ăn cho tôm. Tỉ lệ này rất quan trọng vì nếu thức ăn vượt quá nhu cầu năng lượng sẽ làm giảm sự bắt mồi của tôm, ngược lại nếu thiếu năng lượng thì protein trước tiên sẽ dùng để cung cấp năng lượng cho nhu cầu của cơ thể.

b) Môi trường ao nuôi

 
Thực tiễn cho thấy, liều lượng cho tôm ăn phụ thuộc vào không chỉ bởi các yếu tố như: loài, giai đoạn phát triển, chất lượng thức ăn,… mà còn chịu ảnh hưởng bởi điều kiện môi trường, đặc biệt là yếu tố nhiệt độ.
 
Thật vậy, đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy nhiệt độ là một trong những yếu tố môi trường tác động nhiều đến đời sống của thủy sản, quyết định đến nhu cầu dinh dưỡng của tôm nuôi. Nghiên cứu cho thấy, khi nhiệt độ tăng sự tăng trưởng của tôm tăng dẫn đến nhu cầu protein của tôm cũng tăng. Ngưỡng nhiệt độ thích hợp nhất đối với tôm nuôi nằm trong khoảng 28-30oC, khi nhiệt độ giảm đi 2oC thì lượng thức ăn hàng ngày cũng giảm theo 30-50%. Ngoài ra, lượng thức ăn cũng cần được thay đổi tùy theo khả năng bắt mồi của tôm.
 
Khi nhiệt độ xuống thấp, tôm không đòi hỏi được cung cấp quá nhiều thức ăn mà chỉ cần một lượng đủ để duy trì. Vì thế, ở những thời điểm này cần lưu ý cho tôm ăn vừa phải nhằm tránh lãng phí và gây ô nhiễm nguồn nước.
 
Bên cạnh đó, trong suốt vụ nuôi bà con cũng cần định kỳ bổ sung các chế phẩm sinh học vào ao nhằm giúp tôm nuôi cải thiện tiêu hóa và tăng sức đề kháng, đồng thời kiểm soát các yếu tố môi trường như: tảo độc, khí độc, chất thải hữu cơ tích tụ,… tránh bùng phát dịch bệnh.
 
Theo: Lê Cung - TSVN.