Thuộc nằm lòng 5 yếu tố quan trọng khi cải tạo ao nuôi tôm

Các chuyên gia khuyên bà con cần thuộc nằm lòng 5 yếu tố quan trọng khi cải tạo ao nuôi tôm như sau:

Cải tạo ao nuôi đúng kỹ thuật là điều tối quan trọng trước mỗi vụ nuôi, quyết định đến sự thành công hay thất bại của cả mùa vụ. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo bà con nên thuộc nằm lòng 5 yếu tố quan trọng khi cải tạo ao nuôi tôm như sau:

1) Phơi và cày xới đất đáy ao


Ảnh minh họa
 
Đáy ao là nơi các chất thải hữu cơ và vi khuẩn gây bệnh tích tụ từ vụ nuôi trước đó. Môi trường đáy ao cần phải được cải tạo thật kỹ và quản lý tốt sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển của tôm ở những vụ nuôi kế tiếp.
 
Chính vì thế, khi cải tạo ao nuôi mới thì phơi đáy ao là một kỹ thuật cải tạo ao nuôi cần phải làm. Việc phơi đáy ao thật khô đến khi nứt nẻ không chỉ giúp loại bỏ các chất hữu cơ và vi khuẩn tích tụ, mà các tia cực tím của ánh mặt trời còn giúp diệt các mầm bệnh và giải phóng khí độc H2S trong ao.
 
Bên cạnh đó, không thể thiếu khâu cày xới đất đáy ao giúp ao thoáng khí, nhằm thúc đẩy quá trình oxy hóa phân hủy chất hữu cơ, giải phóng khí độc khỏi ao và hạn chế mầm bệnh. Phương pháp phổ biến được nhiều bà con áp dụng nhất là sử dụng máy ủi.

2) Bón vôi


Ảnh minh họa
 
Bón vôi là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình cải tạo, việc làm này có nhiều tác dụng: giúp diệt các mầm bệnh từ vụ nuôi trước, ổn định pH nền đáy ao, phân hủy các khí độc tích tụ trong ao; làm cho bùn ao có kết cấu tơi xốp, thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ, giải phóng N/P/K ngậm trong bùn;…
Theo các chuyên gia, để bón vôi đạt hiệu quả cao nhất khi cải tạo, bà con nên thực hiện theo các bước sau:
 
- Bước 1: Kiểm tra pH của ao bằng cách lấy một mẫu đất hỗn hợp trong ao phơi khô và tán nghiền để đo;
- Bước 2: Loại bỏ lớp trầm tích đáy ở các vị trí quá sâu để phơi ao đúng cách;
- Bước 3: Cày xới đất và bón vôi. Lưu ý: nếu đất có tính axit thì rải đều vôi trên toàn bộ đáy khi đất còn ẩm; nếu trên ao có những chỗ ẩm ướt không khi được thì nên sử dụng lượng lớn vôi sống hoặc vôi tôi;

3) Bón phân


Ảnh minh họa
 
Bón phân là cách gây màu nước trong ao tôm giúp tạo ra nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm trong giai đoạn đầu thả nuôi. Đồng thời, bón phân còn là cách hạn chế sự phát triển của các loài tảo đáy, hấp thụ chất độc sinh ra từ các chất hữu cơ dư thừa trong quá trình nuôi.
 
Bà con thực hiện bằng cách hòa tan phân bón vào nước và tạt đều khắp ao, liều lượng sử dụng tùy thuộc vào diện tích ao và loại phân như:
- Đối với phân hữu cơ: phân chuồng, gà, trâu, bò khi bón phân phải được ủ mục;
- Đối với phân vô cơ: NKP 0,2kg/100m2 + urê 0,2 kg/100m2 (nên bón phấn vào 9-10 giờ sáng).  Sau 2-3 ngày, kiểm tra độ trong của nước đạt 40-50cm và nước có màu xanh nõn chuối hoặc vàng nâu chứng tỏ các sinh vật phù du phát triển tốt, có thể thả tôm nuôi;

4) Trang bị hệ thống quạt nước

Quạt nước giúp tăng lượng oxy hòa tan trong nước cung cấp cho tôm nuôi. Thông thường, mỗi cánh quạt nước có thể cung cấp đủ lượng oxy cho khoảng 2.800 con tôm từ lúc mới thả đến khi thu hoạch. Tùy theo điều kiện cụ thể mà người nuôi cần lựa chọn số lượng máy quạt lắp đặt phù hợp.

5) Quản lý nước ao nuôi


Men vi sinh giúp xử lý tảo và chất hữu cơ trong ao tôm. Ảnh: visinhthuysan.vn
 
Để vụ nuôi thành công, bà con cần chủ động được nguồn nước. Nước dùng để cấp vào ao nuôi phải không bị ô nhiễm, lượng oxy hòa tan đảm bảo >4mg/lít, ph: 7-8,5. Trước khi cấp nước vào ao nuôi, nước phải được xử lý trước trong các ao lắng để loại bỏ các tạp chất và vi khuẩn gây bệnh, đồng thời cấp nước qua lưới lọc để loại bỏ các loài cá tạp, giáp xác,… xâm nhập vào ao.
 
Trong suốt vụ nuôi, bà con nên sử dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản kết hợp với bổ sung các khoáng chất và vitamin C giúp tôm phát triển tốt hơn, tăng khả năng chống chịu với dịch bệnh.
 
Nguồn: EcoClean t/h.