Theo đề xuất của Bộ Tài chính, thuế BVMT đối với mặt hàng xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần trong khung 4.000 đồng/lít (tăng 1.000 đồng); dầu ma-dút, dầu nhờn, mỡ nhờn đều tăng từ 900 đồng/lít-kg lên mức trần 2.000 đồng/lít-kg (tăng 1.100 đồng), kể từ ngày 1-7-2018.
Một vài số liệu tham khảo.
Điều này đồng nghĩa giá xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lít với điều kiện các loại thuế, phí khác trong tổng cơ cấu giá xăng đứng yên; còn nếu "nhúc nhích" thì giá xăng có thể tăng cao hơn. Những mặt hàng dầu kể trên cũng thế.
Bộ Tài chính phấn khởi cho biết sau khi đưa dự thảo ra lấy ý kiến các bộ - ngành, địa phương, doanh nghiệp..., Bộ thu về 60 ý kiến, trong đó 40 ý kiến đồng tình, các ý kiến còn lại chủ yếu góp ý "về mặt câu chữ, kỹ thuật" (!).
60 ý kiến rõ ràng là quá ít so với 95 triệu dân, là số đông tiêu thụ xăng dầu và qua đó đóng thuế cho nhà nước. Họ là đối tượng chịu thuế, lẽ ra là "trung tâm" cần phải hỏi, nhưng lại chẳng có vai trò gì trong cuộc trưng cầu dân ý này.
Theo tính toán, nếu tăng thuế BVMT trong giá xăng lên mức kịch trần (4.000 đồng/1 lít xăng) thì mỗi năm nhà nước sẽ thu về khoảng 15.700 tỉ đồng nữa. Tổng tiền thuế BVMT thu được của năm gần nhất là gần 58.000 tỉ đồng.
Có mấy vấn đề chưa được sáng tỏ trong câu chuyện này.
Đó là, E5 là xăng nhiên liệu sinh học đang được bán song song với xăng RON95 (RON92 đã bị khai tử từ ngày 1-1-2018). Loại xăng này nhà nước khuyến dùng vì được cho là sạch, không gây ô nhiễm môi trường... Vậy tại sao người mua E5 vẫn phải trả cùng mức thuế BVMT như xăng khác là 3.000 đồng/1 lít mà không thấp hơn? Quá mâu thuẫn!
Đó là, gọi tên "thuế BVMT" nhưng khoản thu từ nguồn này hòa chung vào ngân sách nhà nước để chi dùng cho nhiều hoạt động khác chứ không riêng cho nhiệm vụ BVMT, vậy đâu thể gọi là thuế BVMT? Đây chính là sự tù mù, ngay từ tên gọi. Cũng chính vì thế này mà người dân chưa đồng thuận và có quyền đòi hỏi: Gọi là thuế BVMT thì khoản thu khổng lồ ấy đã chi dùng cho BVMT ra sao, những hạng mục gì, bao nhiêu...? Hiệu quả đến đâu mà tăng thu mãi trong khi báo cáo về môi trường thì năm sau luôn ô nhiễm trầm trọng hơn năm trước? Cho nên, tốt hơn là hãy nói trắng ra: Tăng thu thuế BVMT trong giá xăng dầu - một trong những cách thu hộ đơn giản, dễ dàng nhất - là để bù vào hụt thu ngân sách do nhiều sắc thuế giảm (như thuế nhập khẩu...) khi thực hiện các cam kết quốc tế. Nói vậy để người dân nghe cho rõ, dù có tức!
Đó là, tại sao việc tăng thuế lại cứ nhắm vào xăng dầu - một mặt hàng thiết yếu chi phối toàn diện đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân và doanh nghiệp? Xăng dầu thuộc nhóm hàng tiêu dùng rất ổn định, ổn định đến mức cố định, bởi dù có tăng giá đến mấy thì lượng tiêu thụ vẫn không giảm đi. Do đó, tốn thêm tiền cho mặt hàng này thì làm tăng chi phí của doanh nghiệp, dễ hình thành mặt bằng giá mới. Mà doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh yếu nhất là về mặt giá, vì vậy tăng thuế kiểu này có khác nào bào sức cộng đồng doanh nghiệp vốn đã chưa vững vàng gì. Làm thế này thì đâu thể nói là "hài hòa lợi ích" được!
Đây là "cuộc chơi" thiếu sòng phẳng, không công bằng. Nếu cứ thấy hụt thu thì tăng thuế, tăng ngay những mặt hàng thiết yếu như hơi thở con người, ai không dùng thì "chết", thì quá đơn giản, người dân chẳng còn gì để nói nữa!
Và cứ làm kiểu này thì Bộ Tài chính sẽ không còn động lực để suy nghĩ, tìm cách cơ cấu các nguồn thu vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách, lại được tín nhiệm của các bộ - ngành - địa phương được phân bổ nguồn tiền từ ngân sách quốc gia; nỗ lực giảm chi thường xuyên cũng sẽ suy giảm; chỉ có người dân là nặng gánh.
Theo: Y Qua / NLĐ.