Theo báo TMT đưa tin, bạn Nguyễn Thanh Truyền ở Tổ 5, Khu vực 1, Phường Trà Nóc, Quận Bình Thủy, Thành Phố Cần Thơ đã có thư kêu cứu gửi đến đường dây nóng bảo vệ môi trường phản ảnh: Hộ dân xả thải trực tiếp xuống ao hồ kênh rạch, gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.
Trích nội dung bức thư của bạn Nguyễn Thanh Truyền
"Cạnh nhà tôi có số nhà 25/5 tổ 5, khu vực 1, Phường Trà Nóc, Quận Bình Thủy, Thành Phố Cần Thơ của chủ hộ tênTrương Văn Tư. Hàng ngày, hộ ông Tư sử dụng nhà tắm, cầu tiêu máy, chăn nuôi gia cầm, đâm thằng ống xả thải trực tiếp xuống ao hồ kênh rạch, gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của mọi người trong xóm, gây bức xúc cho cá nhân tôi, vì đó là kênh mương rạch nhỏ của cá nhân hộ gia đình tôi đào để dẫn nước vào kênh để tưới tiêu hoa màu và cây trái.
Thời gian gần đây, hộ gia đình ông Trương Văn Tư càng làm nguồn nước tại ao hồ càng ô nhiễm nặng nề, cụ thể là xả thải trực tiếp mà không qua bất cứ phương pháp xử lý nào, làm nguồn nước nhiễm bẩn và có mùi hôi thối khiến môi trường không khí bị ô nhiễm nặng, những ngày trời nắng nóng hay mưa đều có mùi hôi thối rất nồng nặc bốc lên khó chịu.
Nhiều lần, tôi yêu cầu hộ cá nhân ông Tư tìm cách xử lý nhưng đều không có đáp án và cách xử lý phù hợp càng làm cho nguồn nước và không khí bị ô nhiễm nặng nề.
Hậu quả là gia đình tôi không thể sử dụng nguồn nước để sinh hoạt hoặc tưới tiêu cho hoa màu được. Mùi hôi cũng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập của con em trong gia đình tôi.
Vậy hôm nay, bằng sự tin tưởng, niềm hy vọng sẽ có bầu không khí trong lành, tôi nói nên những lời từ tận đáy lòng. Khẩn thiết mong mỏi Tin Môi Trường phản ảnh giúp đỡ chúng tôi, để các cơ quan vào cuộc trả lại sự sống cho môi trường cho gia đình tôi và cho thế hệ tương lai.
Chân thành cảm ơn!"
Một số hình ảnh hộ ông Trương Văn Tư xả thải xuống kênh gây ô nhiễm:
Ống nước được hộ ông Tư dùng tấm cao su che chắn nhằm tránh sự phát hiện và ống xả thải không che chắn bốc mùi hôi, bên cạnh đó hộ ông Trương Văn Tư còn sử dụng chuồng trại nuôi gia cầm rồi cũng xả thải trực tiếp xuống ao hồ kênh rạch gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt .
Ô nhiễm môi trường ở Cần Thơ: Bao giờ mới hết!
Ô nhiễm khắp nơi... Chỉ cần làm một cuộc khảo sát “bỏ túi” cũng đủ khiến cho người quan sát giật mình về mức độ ô nhiễm tại các tuyến kênh, rạch ở TP.Cần Thơ.
Rạch Từ Hổ ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều trước đây có dòng chảy thông thoáng, sạch đẹp. Thế nhưng từ khi người dân sống ở khu vực này đua nhau xây nhà lấn chiếm, con rạch đã bị đẩy vào chỗ bị bức tử. Hay như rạch Cái Khế - một trong những con rạch lớn nhất trên địa bàn quận Ninh Kiều, chảy qua 6 phường Cái Khế, An Nghiệp, An Hòa, Xuân Khánh, An Khánh - vài năm trở lại đây, do nhiều người dân dựng nhà lấn chiếm, vứt rác bừa bãi nên ngày càng biến dạng, dòng nước trở nên đen ngòm.
Tại khu vực rạch Tham Tướng, hơn chục năm qua, những hộ dân sống dọc hai bên bờ luôn khổ sở vì mùi hôi thối bốc lên từ cái ao tù chứa rác khổng lồ. Dòng chảy của con rạch bị tắc nghẽn, không phương tiện thủy nào có thể lưu thông qua đây. Tương tự, các con rạch khác như: Xẻo Nhum, Ba Láng, Bần, Đầu Sấu... cũng cùng chung số phận.
Số liệu thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường, Cần Thơ hiện có 12 kênh, rạch bị ô nhiễm nặng, chất lượng nước mặt có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng. Ngoài ra, TP còn có 8 KCN với tổng diện tích hơn 2.300ha, nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Cụ thể, KCN Trà Nóc 1 và KCN Trà Nóc 2 có 34 DN phát sinh nước thải, nhưng chỉ 11 DN xử lý nước thải đạt quy chuẩn. Trong số DN xử lý nước thải không đạt quy chuẩn còn lại, có tới 3 DN gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chưa thể ngăn chặn Mức độ ô nhiễm đã rõ, thế nhưng việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường lại rất hạn chế.
Phóng sự ngắn của VTV về ô nhiễm nước ở Cần Thơ. Nguồn: VTV.
Thực tế cho thấy, tình trạng cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường đang có chiều hướng gia tăng, mà nguyên nhân cốt lõi là giới chủ chạy theo lợi nhuận. Nhiều cơ sở sản xuất dù có hệ thống xử lý nước thải, nhưng không vận hành thường xuyên, thậm chí có hành vi “qua mặt” cơ quan chức năng. Các bãi chôn lấp chất thải rắn còn thô sơ, chưa đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường. Chất thải nguy hại chưa quản lý được chặt chẽ - nhất là rác thải y tế, rác và nước thải từ cơ sở chế biến hóa chất. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cư dân thiếu ý thức bảo vệ môi trường, vứt rác bừa bãi, xả nước thải sinh hoạt ra thẳng các sông, rạch, xây dựng nhà lấn chiếm kênh, rạch khiến cho dòng chảy bị ứ đọng, nước không thể lưu thông. Đáng nói nhất là ngay cả các cơ quan, DN nhà nước cũng liên quan đến các vụ gây ô nhiễm môi trường.
Cách đây chưa lâu, trong một đợt kiểm tra, cơ quan chức năng TP đã bắt quả tang Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ bơm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, nước thải có màu đen, bốc mùi hôi thối. Bên cạnh đó, lò đốt rác của bệnh viện này có rất nhiều rác thải y tế (kim tiêm, chai lọ, dụng cụ truyền nước và các loại rác thải nguy hại khác) được gom từ các bệnh viện nhỏ về tiêu hủy, nhưng bệnh viện để bừa bãi, không đúng quy định. Vừa qua, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, KCN đến kiểm tra các KCN tại Cần Thơ, đã phát hiện 61 DN có vấn đề về môi trường. Trong đó, có đến 31 DN có vấn đề về nước thải...
Ông Nguyễn Minh Thế - Phó Giám đốc Sở TNMT Cần Thơ - thừa nhận: Hiện nay TP vẫn chưa có biện pháp quản lý hiệu quả các nguồn chất thải từ hoạt động đô thị, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. TP cũng chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, dẫn đến môi trường bị ô nhiễm, gây nhiều bức xúc cho người dân sống trong vùng bị ảnh hưởng. Để môi trường thực sự được bảo vệ, ngay từ bây giờ, điều tiên quyết là phải có sự chung tay góp sức của cộng đồng.
(*) Từ viết tắc trong bài:
- KCN: Khu Công Nghiệp;
- DN: Doanh Nghiệp;
Nguồn: Internet t/h.